Theo thầy Thích Tuệ Minh
Người trong nam thì ít ai đào giếng vì sông ngòi dày đặc, họ chỉ dùng nước sông, nước ao, còn ngoài bắc thì đào giếng khá nhiều, nhưng khi không sử dụng giếng nữa lại không biết làm sao, có người muốn lấp lại thì lại sợ phạm vào điều kiêng kỵ, mà không lấp, bỏ hoang không xài đến thì có khi lại nguy hiểm cho trẻ con khi đến gần, hoặc ảnh hưởng đến đời sống thường ngày.
Hôm nay tôi chỉ ra đây một số cách trong việc đào giếng, lấp giếng để mọi người có thêm một tài liệu khảo cứu khi cần đến!
- Đầu tiên ta biết, giếng là mạch nước ngầm trong đất, trong đá, xét về khía cạnh tâm linh thì nó là một phần của Long Mạch, còn gọi là Địa Long. Cho nên khi khai giếng, hoặc khi đóng giếng lại thì phải xem xét cẩn trọng rất nhiều điều, bởi vì nó ảnh hưởng rất lớn đến Sinh Khí của những người dùng nước giếng đó!
– Khi khai giếng: Điều quan trọng nhất chính là ngoài việc chọn nơi có mạch nước tốt, cách xa những chỗ như nhà vệ sinh, khu nghĩa địa, hầm mộ, mồ mả, thì giếng nên được khai đúng luồng!
Nếu như một giếng khai ngẫu nhiên mà không đúng luồng giếng thuận thì người dùng nước giếng ấy lại không được mạnh khỏe, hay đau yếu bệnh tật, hoặc đột tử bất ngờ.
Vậy thế nào là khai đúng luồng
Khi chọn được nơi khai giếng rồi, ta chọn giờ thìn trong ngày mà đào xuống lấy nước nơi đó ba bát. Mang ba bát nước này về mà pha lại với ba bát nước các giếng tốt đã khai trước đó (có thể xin ở nơi có giếng tốt), nếu thấy có đổi màu hoặc trong hơn, hay đục hơn tức chỗ khai giếng chưa thật tốt.
Nếu biết về Phong Thủy có thể chọn được nơi khai giếng tốt nhất theo cách (tầm long đáo địa)!
Đó là về khai giếng, nó kỳ thực rất là quan trọng, chẳng thế mà xưa kia cả làng chỉ dùng chung một giếng, họ gìn giữ như báu vật của làng, làng nào có giếng tốt thì con cháu trong làng đỗ đạt khoa bảng, vinh hiển làng xóm, làng nào có giếng không tốt thì y như rằng con cháu trong làng làm ăn thất bát, trộm cướp, phạm pháp rất nhiều. Cho nên các cao niên trong làng rất là cẩn trọng khi khai giếng cho làng, có khi việc đó mất cả đời để tìm được đúng cái giếng cần khai.
Lấp giếng làm như thế nào ?
* Khai giếng đã khó rồi, mà lấp giếng thì còn khó hơn nhiều lần nữa! (Nếu là giếng nhà, chỉ dùng cho một gia đình thì còn đơn giản, chứ giếng chung cả làng thì phải rất là cẩn trọng).
Nhưng trong làng tốt nhất không nên có quá 1 giếng chung, nếu có nhiều giếng thì nên chọn cái tốt nhất giữ lại, các cái khác nên lấp đi để cho long khí hội tụ đủ đầy nơi giếng ấy, không bị phân tán nhiều nơi).
Chúng ta nên biết các giếng chung của làng thường có tiểu long thần ngự nơi đó. (Còn gọi là thần giếng, hoặc thủy thần, hoặc tiểu long thần).
Các giếng có tuổi thọ trên 500 năm thì nhất định là có tiểu long thần ngự, cho nên khi lấp giếng mọi người phải vô cùng cẩn thận.
Ngoài việc cúng mâm lễ công bố sau 3 ngày sẽ lấp giếng mọi người hãy làm theo cách sau để dời tiểu long thần đi nơi khác, nếu bị giam lại nơi đó oán khí của ông ấy sẽ vô cùng lớn, họ chỉ là tiểu thần cho nên tâm còn sân si rất là lớn, họ thậm chí còn trả thù, quở trách bá tánh nếu lấp giếng vô ý.
Trước tiên hãy chọn 3 con cá chép khỏe mạnh, đủ lớn, rồi làm lễ tế công bố cùng trời đất, dân làng là 3 hôm sau sẽ lấp giếng đi, mong là chư thần có ngự nơi giếng dời đi nơi khác, rồi thả 3 con cá chép xuống giếng (nên bỏ trong một cái giỏ hay cái lồng để còn kéo trở lên, nên làm một cái lồng dạng thẳng đứng, sau đó thả xuống ngập dưới nước 2 phần, nổi lên trên một phần.
Sau 3 hôm (kéo giỏ cá lên – thông thường sẽ có 1 con chết), mang 3 con cá thả ra sông lớn, nếu có con chết thì mang chôn cất tử tế!
Việc thả cá, bắt cá đều làm giờ thìn trong ngày, sau khi qua khỏi giờ thìn thì mới lấp giếng lại.
Hiện nay nước ta còn một số giếng cổ rất linh thiêng, các giếng này không nên lấp lại, vì nó là long mạch quốc gia, mọi người khi đi viếng nơi ấy cũng nên tỏ lòng tôn kính, là thả cá, phóng sanh thủy tộc chứ đừng quăng tiền, quăng bạc vào giếng như trong bức hình, việc ấy rất là thiếu tôn nghiêm, lại chẳng có ích lợi gì vì thánh thần họ có cần đến miếng rác của nhân gian làm chi đâu mà quăng xuống đó!?
Phải biết suy xét tự cảnh tỉnh mình và nhắc nhở mọi người chung quanh khi đến những nơi như thế!
Chúc tất cả an lành, thường phúc!
Nguồn: trích từ bài viết của Nguyễn Hòa