( Nhật kí Bệnh Viện )
Bệnh nhân số 03!
Chiều hôm ấy nắng ngả màu thật nhạt. Cái lạnh của gió heo may mang mùi muối biển thổi vào nồng ấm. Những chiếc lá đa ngả màu cứ xoáy theo chiều gió mà rớt rơi trên nền sân vắng lặng… Tôi ngả mình trên chiếc ghế bành mà hưởng thụ giấc ngủ say mèm, đôi khi cái đầu gật mạnh xuống để rồi giật mình choàng tỉnh ngơ ngáo nhìn xung quanh…
Người đàn ông đó bước vào, ngồi thu lu một góc. Gương mặt ông thẫn thờ, khuôn mặt nhăn nheo hằn đầy nỗi khổ. Mỗi nếp nhăn tựa hồ những cơn sóng biển cứ rì rào vỗ bến… Khoảng trống trong ông nó mịt mờ và lùng bùng nhức nhối, nỗi xót xa, sự ân hận, những câu hỏi “tại sao?” cứ thế vây quanh cái thân hình nhỏ bé ấy. Thứ duy nhất giúp ông trở lại thực tại là điếu thuốc đỏ lòm cháy dở trên tay, nó ngắn dần để rồi tắt lụi giống như cách giúp ông nhận biết thời gian….
Cháu ngoại ông nằm viện, con bé nuốt phải mảnh te te vỡ. Miếng cao su nhỏ bé ấy mắc ở đường thở, con bé 24 tháng tuổi cứ thế vùng vẫy vật lộn với miếng dị vật trong người. Nó lịm dần đi, để rồi khi người lớn phát hiện ra thì toàn thân nó đã bất động, khuôn mặt nhợt nhạt tím lịm… Ông bế nó chạy như bay đến bệnh viện, đó là hi vọng cuối cùng giành giật cháu ông từ tay thần chết để trở về…
” Nhà ông ở mặt phố lớn của cái thành phố này, giá trị đất ước tính tầm vài chục tỷ. Căn nhà xây từ thời Pháp thuộc, kiểu dáng cũ kĩ và lụp xụp theo thời gian. Bản thân ông và gia đình cũng có rất nhiều tiền, thế nhưng họ chẳng thể sửa chữa hay đập đi xây mới được, đơn giản vì hai chữ Tranh Chấp!
…..Nhớ ngày ấy, hoà bình được lập lại bà con chòm xóm bấu víu vào nhau. Người vô gia cư và người ở nơi khác kéo về đông lắm, đêm đêm họ vạ vật la liệt ở đầu hồi nhà ông, quấn tạm manh chiếu miếng chăn để né sương đêm. Bố ông là nhà giáo, cụ thương tình nên đã dành riêng căn phòng đầu hồi làm chỗ trú ẩn cho những con người vô gia cư đó. Thời gian cứ thế trôi đi, biết bao con người nhờ sự che chở ấy mà có cuộc sống tốt hơn. Họ mua đất mua nhà ổn định cuộc sống bản thân để rồi lại vô tình lãng quên nơi trú ẩn ngày cơ cực ấy… Duy nhất có một bà mẹ và hai đứa con trai trạc tuổi ông là còn trú ngụ lại, người đàn bà ấy khổ quá! Dáng người bà nhỏ thó xác xơ trong bộ quần áo nhàu nhĩ bạc màu vá chằng vá đụp. Họ chẳng có quê, chẳng có người thân thích, cuộc sống bám vào gánh rau mớ tép nuôi thân, may nhờ lòng tốt của cụ thân sinh mà mẹ con họ còn có chỗ nương náu qua ngày.
Ông và 2 anh em đứa trẻ lớn lên cùng nhau, chơi trò chơi cùng nhau và thậm chí đôi khi dấu giếm chia nhau miếng cơm nắm muối vừng để xua đi cơn đói cồn cào của mỗi đứa. Hạnh phúc đơn sơ là vậy, đó là những ánh mắt trong veo, những nụ cười hồn nhiên của bầy trẻ con thơ bé… Để rồi khi thời gian chợt biến động qua đi, bọn trẻ đã lớn, mỗi đứa hình thành những suy nghĩ riêng, tính toán riêng để rồi tạo thành cơn bão tố…
Anh em họ ngấm ngầm làm sổ hộ khẩu cư trú ngay chính tại căn nhà này, lập loè con lận con đen khi bộ luật thay đổi. Họ nghiễm nhiên công khai tranh chấp căn nhà với người chủ đã cưu mang họ, công khai đánh đuổi những người đã cho họ 1 tuổi thơ, cho họ cuộc sống mới. Cụ thân sinh ra ông uất ức, chết vì tức tưởi để rồi hai mắt trợn trừng chẳng thể nhắm nổi. Ông theo di nguyện của cha, đi tìm những người mà gia đình giúp đỡ khi xưa để cầu mong họ làm nhân chứng giúp… Thế nhưng xã hội thay đổi thật rồi, lòng người chẳng còn ấm áp như ngày xưa nữa. Họ lặng lẽ lảng tránh những rắc rối này, cứ thế tận hưởng những phú quý cao sang ở hiện tại, quên đi quá khứ vất vả đắng cay mà ngày xưa từng có…
Kiện tụng chán chê, đôi bên đánh nhau mãi cũng chán. Họ đành chấp nhận cứ thế lặng lẽ sống với nhau mà mặt hằm hằm trong chính căn nhà đó, đời con đời cháu cứ thế thêm tên vào những quyển sổ hộ khẩu có chung 1 số nhà, những con người dâu – rể cứ thế đông thêm và ngày càng chia nhỏ thu hẹp không gian ấy…
Mảnh te te ấy là của đứa lớn hơn làm vỡ bóng. Người lớn thù hằn nhau nhưng trẻ con thì đâu có tội. Chúng vẫn cười với nhau, vui đùa với nhau qua những cái hàng rào ngăn cách ấy, chúng vô tư và ánh mắt mỗi đứa đều rạng ngời tươi tắn. Chúng cũng biết chia nhau cái kẹo, phần nhau miếng bánh… Và thậm chí chia nhau cả những mảnh te te vỡ vụn….”
Hôm nay họ và ông ngồi bàn bạc lại. Căn nhà sang nhượng cho người khác, ông được hưởng 6/10 số tiền bán được, họ sẽ hưởng 4/10 còn lại. Hai bên chẳng còn tranh chấp nữa, chia nhau những đồng tiền ấy để rồi mỗi bên sẽ có một cuộc sống riêng. Mắt ông ầng ậc nước, đứa cháu gái bé bỏng chẳng còn nữa, chẳng có tiếng bi bô gọi ông mỗi buổi xế chiều, chẳng còn tiếng cười khách khách trong veo của nó nữa… Cả đời ông nhăn nheo đi theo vụ kiện, theo di nguyện của cụ thân sinh ngày nào, theo cái vật chất và công lý mà ông tin là tồn tại. Ông gục khóc trước đống tiền trước mặt, nấc lên từng chặp thê lương… Đứa bé gái chợt xuất hiện cạnh ông, nó mặc chiếc váy màu trắng tinh khôi, đó là chiếc váy mà ông thay cho nó khi nó trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Nó ôm chặt lấy ông, vỗ về khuôn mặt đầy nước mắt ấy… Thế rồi ông đột ngột đứng dậy mà chẳng hề biết nó tồn tại kế bên, bước nhanh ra giữa trời mưa ngoài ấy, bóng dáng ông nhạt nhoà lẫn giữa làn mưa ướt lạnh…