Truyện: Nợ Máu Trả Máu
Tác giả: Bùi Hữu Quang
Quê tôi vốn là một tỉnh thuộc vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Cũng giống như bao làng quê khác, nó được bao quanh bởi những cánh đồng lúa bao la và bát ngát, với những cánh cò bay xa vút tận chân trời. Quả thực, những ký ức về một tuổi thơ tuy nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ nhưng đầy dữ dội và tươi đẹp trên mảnh đất quê hương ấy, vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi cho đến tận bây giờ.
Đó là những lần trốn học đi câu cá, bắt tổ chim mang về chơi, và về cả những câu chuyện huyền bí và đầy ma mị mà Bà Năm kể cho tôi nghe, trong những đêm, tôi ngủ lại ở nhà thằng Nam cũng là cháu của bà.
Bà kể cho tôi và thằng Nam nghe rất nhiều, đa phần là những câu chuyện mà chính bản thân bà chứng kiến hoặc được nghe kể lại từ những người đời trước. Trong số đó, có một câu chuyện khiến tôi thực sự ám ảnh và day dứt cho đến tận bây giờ, đó là câu chuyện kể về hai cái mồ hoang ở ngay sau vườn nhà bà, nơi mà tôi và thằng Nam khi bé vẫn thường hay chơi đùa và hái ổi ở một cái cây ngay cạnh đó.
Chap1. Lý Trưởng của làng Vũ Đình.
Chuyện xảy ra vào những năm 1937,1938 ở một ngôi làng có tên là Vũ Đình. Khi đó, đất nước ta vẫn còn chịu ách đô hộ và là thuộc địa của bọn thực dân Pháp. Chúng hành hạ, bóc lột dân ta một cách trắng trợn và rất dã man. Ngoài việc phải lao động khổ sai ra, dân ta còn bị chúng nó bắt buộc phải nộp rất nhiều loại siu, thuế. Chúng nghĩ ra đủ mọi cách để kiếm lợi cho bản thân mình. Đáng buồn hơn, là không ít những tay Lý Trưởng có tâm địa xấu, còn lợi dụng chức quyền của mình, mà áp bức, vơ vét tiền bạc của cải trên chính xương máu của đồng bào dân tộc mình. Trong số đó có lão Lý Minh, khi đó lão đang là Lý Trưởng của làng Vũ Đình. Làng trên xóm dưới, hễ cứ nghe đến tên lão, là ai nấy đề thấp thỏm, run rẩy và lo sợ. Bởi lão ác lắm! Nghe người ta nói, Lý Minh là một kẻ tham lam, keo kiệt và háo sắc. Nhờ có cái tính đó, mà nhà lão chẳng khác nào là một cái biệt phủ cả, vàng bạc, ruộng đất thì nhiều vô kể. Lý Minh có 2 bà vợ, là bà Lý Hanh và Bà Lý Hồng cùng với đó là một cô con gái có tên là Thúy Kiều mới mươi tuổi.
Trái ngược với cuộc sống sung túc của nhà Lý Minh là nhà Cô Lành, ở cuối làng.
Cô mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên thì kết duyên với anh Tràng. Khổ nỗi, gia cảnh anh Tràng lúc ấy cũng thuộc dạng nghèo khó, thành ra cuộc sống của hai vợ chồng rất vất vả. Cố gắng lắm, thì mới gom góp được chút ít để làm của riêng. Họ có với nhau một thằng con trai tên là Quang. Khi đó nó cũng chỉ mới 12 tuổi.Tuy không khá giả gì, nhưng được cái cả nhà biết yêu thương và bấu víu vào nhau.
Tưởng chừng cuộc sống bọn họ cứ thể mà tiếp diễn. Ấy vậy mà! Đùng một cái, bệnh dịch không biết từ đâu đến, cướp mất cả bố và mẹ của anh Tràng. Thành ra, số tiền mà hai vợ chồng dành dụm, tích cóp suốt bao năm qua, bỗng chốc mà tan biến, một phần thì do lo tiền thuốc men, một phần thì để làm ma chay và xây mồ mả cho hai ông bà mới mất. Rồi cứ thế, dần dần kinh tế càng ngày càng quyệt quệ, cuộc sống của hai vợ chồng bọn họ càng ngày càng khó khăn…
Sáng sớm hôm đó, trong căn nhà nhỏ cuối làng, cô Lành thức dậy rất sớm, cô đi đến góc xó nhà, cầm lên cây chổi cọ và quét nhà. Vừa quét, cô vừa trầm ngâm, như đang suy nghĩ điều gì đó.
Anh Tràng mới dậy, giọng vẫn thều thào vì ốm:
– Bu nó ơi!
Cô Lành thấy chồng gọi, thì vội bỏ cái chổi xuống dưới đất mà chạy đến đầu giường chỗ ổng đang nằm.
Vừa nói, bà vừa khẽ rót cốc nước rồi đưa cho chồng:
– Thầy nó uống hụm nước đi. Cứ nằm đó mà nghỉ cho khỏe! À mà… Thầy nó ơi! tôi bảo cái này!
– Sao hở ?
Cô Lành ngồi xuống giường, nhìn ra ngoài sân vườn rồi nói:
– Chuyến này siu, thuế lại tăng! Mà hạn chót, ngày kia là phải nộp rồi… Chắc nhà mình phải bán đàn gà mái thôi thầy nó ạ.
Anh Tràng nghe vợ nói thế, thì thờ dài, tiếc nuối:
– Tiếc thật bu nó ạ. Đàn gà mái tôi tính để ít bữa nữa cho chúng nó đẻ để lấy trứng. Mà bu nó tính bán cho nhà nào?
Cô Lành đáp:
– Nhà ông Huấn, làng bên thầy nó ạ! Em nghe người ta đồn, nhà ổng giàu lắm, chắc bán cũng được kha khá, vừa đủ tiền nộp siu đấy thầy nó ạ.
Anh Tràng lúc này đặt cuốc nước xuống cái bàn gỗ đã cũ kỹ, từ từ, đưa đôi mắt thờ thẫn nhìn xuống thằng con trai đang ngủ say giấc của mình mà gật đầu rồi trầm ngâm suy nghĩ.
Còn Cô Lành cũng vội vàng mà chuẩn bị, để đi sang làng bên gặt thuê.
Từ lúc dịch bệnh đến, hai vợ chồng bọn họ phải làm quần quật suốt cả ngày. Trước thì để lo tiền thuốc men cho hai ông bà, giờ ông bà đã mất, lại lo cho thằng cu Quang. Khổ nỗi, chắc do làm việc vất vả quá mà lại thiếu ăn thiếu uống, thành ra Anh Tràng bị ốm mất mấy ngày hôm nay, không đi làm được. Trong nhà giờ, thì chỉ còn mỗi ít gạo và vài củ khoai, củ sắn.
Đang vẩn vơ suy nghĩ thì một giọng nói quen thuộc cất lên:
– Thầy ơi! Bu con đâu
Thằng Quang lúc này cũng đã dậy. Thấy con hỏi, anh Tràng khẽ đáp:
– Bu con đi làm rồi! Mà thầy bảo này!
Quang ngơ ngác:
– Sao hở thầy?
Anh Tràng nghiêm giọng, tỏ vẻ buồn bã:
– Mai mốt con đừng có đi đánh nhau với cái thằng cu Tý nữa. Nhìn xem, vết sẹo đầy lưng rồi đây này.
Vừa nói, anh Tràng vừa chỉ vào cái vết sẹo lớn hình chữ X ở trên lưng thằng Quang, do hôm trước thằng Tèo ném gạch trúng.
Nói về thằng Tèo, nó là một thằng rất láo xược và mất dạy. Thấy nhà thằng Quang nghèo, lại bơi ao, lặn giỏi hơi mình, thành ra nó rất tức. Nhân lúc thằng Quang đang cúi xuống ruộng mót khoai, nó đứng từ xa lấy viên gạch mà táng vào lưng thằng bé. Quang bị ném đá đau quá, máu chảy xối xả, giận quá mà lao vào đánh. Thế rồi, khi hai nhà gặp nhau để giải quyết, Anh Tràng lại bị bố của thằng Tèo lấn áp, do nhà nó có quen với quan huyện và có chút chức quyền, của cải.
Quang thấy bố nói thế, thì ngập ngừng gật đầu. Bởi vốn dĩ nó là đứa ngoan ngoãn và cũng nhận thức được hoàn cảnh gia đình của mình.
Lúc này, đầu Anh Tràng bỗng dưng choáng váng, anh từ từ nằm xuống, úp mặt về phía tường, đưa bàn tay đầy vết sẹo và chai sạn lên che khuôn mặt nhăn nhó của mình, để dấu cho thằng Quang không nhìn thấy. Nhưng vì đau quá, anh bất giác hét lên đau đớn.
Quang thấy bố mình như thế. Nó vội chạy ra ngoài sân lấy cái khăn ướt, lau mặt và đắp trán cho bố.
Còn cô Lành lúc này đang ở ngoài đồng, trời lúc này nắng chang chang như lửa đốt, mồ hôi đầm đìa trên trán. Gặt lúa xong, cô nằm dài bên gốc cây đa mà suy nghĩ. Quả thực, tuy vất vả lo cơm áo gạo tiền, nhưng cô vẫn còn rất xinh và duyên dáng. Hồi cô chưa lấy anh Tràng, cũng có kha khá chàng trai theo đuổi, tán tỉnh ngỏ ý muốn rước cô về làm dâu nhưng cô đều từ chối cả. Bởi cô và anh Tràng đã thầm mến nhau từ nhỏ. Lúc đó nhà anh Tràng cũng thuộc dạng khá giả, nhưng sau này bị bọn quan tây nghi là theo khởi nghĩa, nên bị chúng nó tịch thu gần hết tài sản, thành ra nghèo khó từ đấy. Tuy là vậy, những cô vẫn quyết định cưới, sống với anh Tràng và có với nhau thằng cu Quang.
Vừa về tới nhà, thăng cu Quang đã chạy đến cổng để đón mẹ:
– Bu ơi! Bu. Bu mới về à!
Cô Lành thấy con trai, trong người cũng bớt mệt mỏi hơn đôi phần:
– Thầy con thế nào! Đỡ hơn chưa?
Thằng Quang đáp:
– Chưa bu ạ! Thầy vẫn còn ốm lắm, nhưng hết đau đầu rồi.
– Ừ! Thôi con vào nhà đi, vừa nói cô Lành vừa lấy ra trong tay áo là một túi muồm muỗm lúc gặt, cô bắt được ở ngoài đồng.
Thấy có muồm muỗng, thằng Quang vui sướng hét lên:
– A có muồm muỗng, A có muồm muỗng.
Ở những nơi người ta trồng lúa, đặc biệt là những nông thôn xưa. Khi gặt lúa, người ta thường bắt những con muồm muỗng mang về nướng hay thui ờ rơm như châu chấu để ăn. Mùi vị của nó rất thơm và ngon. Đó cũng là tuổi thơ của không biết bao nhiêu thế hệ trẻ của Việt Nam khi xưa.
Chiều ngày hôm sau, khi đi gặt lúa thuê về. Cô Lành lấy đàn gà mái sang nhà ông Huấn để bán lấy tiền nộp siu.
Khi đến cổng nhà ông Huấn thì cô Lành thấy có mấy con chó dữ, sợ quá mà co rúm người lại.
Quả thực chó là ông Huấn có khác, con nào con đấy béo múp đầu. Trông chúng nó còn to hơn cả cô Lành.
Thấy tiếng chó sủa, Ông Huấn và vợ của mình là Bà Hồng Phấn đi ra:
– Cái con nghèo rách kia. Giờ mới vác cái xác của mày đến đây à!
Cô Lành thấy thế mới đáp:
– Dạ bẩm thưa ông, thưa bà. Nay con phải đi cấy thuê cho nhà người ta. Vừa mới xong con mang gà chạy đến đây luôn ạ!
Ông Huấn quát:
– Không phải lý sự. Cả đời lời nói của chúng mày cũng không bằng một lời của ông. Đâu đưa gà đây cho tao xem!
Cô Lành nghe thấy thế thì vội mở lồng ra, trong đó có độ năm con gà mái, con nào con nấy đều đẹp mã. Đây đều nhà những con gà mà trước khi mất, thầy bu của anh Tràng mua, để nuôi sau này nó lớn mà lấy trứng.
– Thế mày bán bao nhiêu? Ông Huấn vừa hỏi vừa vuốt ve mấy con gà mái.
– Dạ thưa ông thưa bà. Cả nhà con giờ còn mỗi hai đồng, thiếu tiền siu, thuế của nhà nước là ba hào, hai ông bà cho con xin ba hào tiền bán gà ạ!
Bà Hồng nghe cô Lành nói thì quát lớn:
– Mả cha nhà mày. Có mấy con gà mái mà bán tận ba hào. Bà trả cho mày hai hào sáu, không thêm không bớt, không thì cút.
Cô Lành van xin. Lạy ông, lạy bà cho con xin thêm sáu xu nữa, không nhà Lý Trưởng đánh chồng con chết mấy.
Ông Huấn nghiêm giọng:
– Việc của nhà mày tao đách quan tâm. Mày hay chồng mày chết tao cũng kệ cha chúng mày. Thế giờ có tính bán không để tao còn đóng cửa thả chó?
Cô Lành lúc này cũng chỉ biết bất lực mà chấp nhận bán gà cho nhà vợ chồng ông Huấn.Khi đang đi về nhà, trong lúc cô đang ngẩn ngơ suy nghĩ làm sao kiếm nốt số tiền còn lại để nộp siu, thuế thì ở đằng sau, đang có bóng dáng của một người đàn ông đi theo cô…
Hết chương 1.
Nguồn : Bùi Hữu Quang – Hóng chuyện tâm linh