Ông Nội tôi là Thầy Đồ !?
Trong ký ức còn sót lại của tôi, Ông Nội là một người đẹp lão quắc thước với râu tóc dày và bạc trắng như cước, suốt cả đời chỉ mặc bộ quần áo nâu sòng. Mỗi lần về thăm quê là ông hay bắt tôi vuốt râu cho ông, nhưng tôi cực sợ và không dám. Không phải tôi sợ Ông mà tôi sợ ánh mắt sáng quắc cứ rờn rợn của Ông mỗi khi ông nhìn tôi, ánh mắt làm tôi sởn cả gai ốc, ánh mắt ấy còn theo tôi tới tận bây giờ.
Quê tôi ở vùng quê nghèo miền bắc ngày ấy, nghèo theo đúng nghĩa chó ăn đá gà ăn sỏi với những vườn cây tre pheo rậm rạp phủ kín cả hai ven đường, che lấp hết cả những tia nắng mặt trời, và cũng chính vì quá nghèo nên con người với con người ngày ấy họ cũng sống thật cái tình với nhau hơn, không lá mặt lá trái, không bon chen, thủ đoạn, toan tính, điêu ngoa như bây giờ.
Ngày xưa bao giờ cũng đẹp như vậy, đẹp từ ký ức đến từ trong suy nghĩ của những đứa trẻ như tôi.
Mỗi khi có việc bố mẹ phải công tác xa nhà do phạm trù công việc thì tôi lại được tống gửi cấp tốc về quê cho ông bà trông hộ. Bây giờ các bạn trẻ gọi là ship khẩn trương đấy
Những ngày ở quê ấy tôi tiếp xúc và chứng kiến đầy đủ, và lưu lại trong trí nhớ trong veo của đứa trẻ tới tận bây giờ.
Cứ tầm trưa nắng gắt, mặt trời lên cao khoảng giờ Ngọ là Ông mang những thếp giấy trắng tinh rải phủ đầy trên hiên nhà, rồi ngồi viết những chữ tượng hình uốn lượn lên đó, với tâm trí của đứa trẻ như tôi ngày ấy gọi đó là chữ Nho. Nghiễm nhiên tôi được ngồi cạnh ông và làm một chân phụ tá mài mực bất tắc dĩ để cho Ông ngồi viết chữ.
Hong những con chữ cho khô, đóng Triện đỏ lên đó, rồi Ông cuộn tròn những thếp giấy đó lại cho hết vào cái tay nải. Chờ ngày lên đường.
Có hôm ông đi từ sáng sớm rồi đến xẩm tối Ông về, có bận Ông đi đến vài ngày mới về. Lần nào Ông về cũng có xôi oản, lắm hôm có cả cái đùi gà to đùng cho tôi ăn. Nên cứ khi Ông khoác tay nải lên đường là tôi khoái chí và ngóng Ông về hồi hộp lắm, vì lại được có cái để ăn. Trẻ con mà
Ông là người khó tính và rất kỹ tính thì phải. Tôi để ý lần nào ăn cơm là bà cũng xắp cho Ông ăn một mình một mâm riêng. Ông không ăn chung với ai bao giờ, kể cả con cháu. Người trong làng ai cũng quý và nể Ông nhưng Ông cũng rất ít bạn, nên nhà Ông ít người qua lại, những vườn cây rậm rạp phủ bóng lại càng thêm âm u tĩnh mịch. Âm u đến vắng lặng và thanh tịnh, chỉ còn những tiếng ve kêu đến bạt tai là len lỏi vào nhà Ông trong những trưa hè.
Cứ khoảng chập tối là có mấy cụ bô lão trong làng xách đèn cầy loe loét, chống gậy, tìm đến uống trà, ngồi chơi với Ông, họ nói chuyện to nhỏ gì đó với nhau về sách về chữ. Tôi chịu không hiểu vì quá bé để hiểu, dù cũng hóng từ đầu đến cuối nhưng vẫn không thể hiểu nổi.
Thi thoảng còn có cả ông Thầy Tàu mặc áo ba tàu màu đen xám, cổ áo thêu thùa riêm rúa ở đâu đến thăm Ông, tá túc qua đêm cơm nước chuyện trò với Ông cả đêm bằng tiếng Tàu rồi tờ mờ sáng tinh mơ lại tay nải tay bị ra đi, lắm khi Ông cũng đi cùng ông Thầy Tàu kia đến cả tháng mới về. Đi đâu và làm gì thì tôi không biết.
Ký ức vụn vặt xa xưa cứ ghim trong trí não của tôi là vậy !
~~~ ~~~ ~~~ ~~~ ~~~ ~~~ ~~~
Rồi bây giờ ở làng quê các cụ cao niên tiên chỉ hay kể lại những giai thoại thăng trầm của vùng quê này trong đó có chuyện của Ông Nội tôi.
Chẳng là ngày ấy ở tỉnh bên có ông thầy cúng rất nổi tiếng. Nói là tỉnh thì xa chứ hai tỉnh chỉ cách nhau có một con sông. Cứ mỗi lần phiên chợ ở làng vào ngày rằm hay mùng một đầu tháng, ông thầy cúng tỉnh bên lại đi đò qua sông ghé thăm chợ làng họp từ sáng sớm tinh mơ. Lần nào cũng vậy, ông thầy cúng kia cười, nói, chào, hỏi, khắp mọi người buôn bán từ đầu chợ đến cuối chợ. Khoảng tầm trưa gần tan phiên chợ thì ông thầy cúng kia ra về và cũng chẳng mua bán thứ gì.
Chuyện chẳng có gì đáng nói, nhưng chuyện là hễ ai được ông thầy cúng kia chào hỏi thì y như rằng cả ngày hôm ấy chẳng bán buôn được thứ gì.
Ví như bà bán bánh đúc:
– Bác bán đắt hàng không ?
– Vâng, nhà cháu vừa dọn hàng ra thôi ạ !
Hay bà bán bánh cuốn:
– Bánh hôm nay ngon nhỉ ?
– Dạ, mời bác xơi ạ !
Hay bà hàng rau:
– Rau nhìn mướt quá !
– Tôi mới hái sang sớm đấy, bác mua đi ?
Tất cả những người buôn bán được ông thầy cúng kia vấn hỏi hôm đó, thì y như rằng hôm đó hàng quán ế trỏng ế trơ ra. Chưa kể, hàng họ thì hỏng hết.
Bà bán bánh đúc thì nguyên nồi bánh đúc vữa nát hết ra, bốc mùi thum thủm.
Bà bán bánh cuốn thì cả mẹt bánh cuốn ôi thiu nát bấy, ruồi nhặng bu đầy, đen kín cả mẹt, xua đuổi không hết ruồi nhặng.
Bà bán rau thì rau héo úa rũ rượi như vừa được trần qua nước sôi.
Rồi mọi người kháo nhau, vía ông thầy cúng kia hãm, hễ ổng ta hỏi thì không ai thèm bắt lời nữa là hết đen.
Ông thầy cúng kia cũng ngại hay sao ấy mà ghé chợ cũng thưa dần để tránh mọi người để ý.
Nhưng chuyện này thì không qua mắt nổi các cụ tiên chỉ trong làng.
Trước hôm mùng một đầu tháng, hai cụ tiên chỉ đã đến nhà Ông Nội tôi kể lại sự tình xảy ra và ngỏ lời nhờ ông giúp cho dân làng. Ông Nội tôi nhận lời.
Đêm ấy Ông Nội tôi khoác tay nải ra ngôi đền sát vách chợ để ngủ và làm việc, để đợi sáng hôm sau ông thầy cúng tỉnh bên sẽ sang thăm chơi phiên chợ làng.
Sáng hôm mùng một hôm ấy, ông thầy cúng tỉnh bên lại đến thăm chợ như mọi bận từ tờ mờ sáng tinh mơ. Vẫn cười nói chào hỏi với mọi người như mọi khi.
Nhưng vừa đi đến giữa chợ thì ông thầy cúng tỉnh bên bỗng đứng khựng lại…. rú lên một tràng dài như sói truuuu dưới trăng… và tự miệng ông ta phun ra một bụm máu đen ngòm, rồi quay đầu vùng căng cắm đầu cắm cổ bỏ chạy về phía cổng chợ, vừa chạy ông ta vừa rứt cúc áo ném ngược trở lại về phía sau lưng……
Từ dạo ấy trở đi không thấy ông thầy cúng tỉnh bên sang ghé thăm phiên chợ làng nữa. Bà bánh đúc cũng không còn hỏng cả nồi bánh đúc, bà bánh cuốn, ruồi nhặng cũng còn chẳng bu đầy đầy mẹt bánh cuốn nữa.
Tôi hỏi, ai cũng bảo Ông Nội tôi là Thầy Đồ.
Sau tôi lớn lên mới tìm hiểu ra Thầy Đồ là thầy dạy học. Nhưng khi tôi hỏi xưa Ông Nội dạy ở đâu và dạy trường nào thì chẳng có ai trả lời !