Trấn yểm tràng an kỳ 6(kỳ cuối) – Đàn tế giải oan của pháp sư bí ẩn

Trấn yểm tràng an cổ

Sau khi khai quật một phần địa điểm mà ông cho là trận đồ trấn yểm ở cửa hang Luồn (Tràng An Cổ, Ninh Bình), thấy nhiều di vật, xương cốt quá, ông Nguyễn Văn Son dừng lại, không nạo vét nữa. Tin rằng, nhiều người bị tế sống, chết oan ở vùng đất này vào thời Đinh-Lê, nên ông lập đền, lập mộ, thờ cúng cho các oan hồn.

Hai năm sau, một pháp sư kỳ lạ xuất hiện, khiến ông Nguyễn Văn Son càng tin vào công việc trông giữ long mạch quan trọng ở Tràng An.

Đó là vào một buổi sáng tháng 2 âm lịch, năm 2012, ông Son đang ở khu Tràng An Cổ, thì thấy một người có vẻ không giống khách du lịch, cứ ra lại vào ngắm nghía địa thế kỹ lưỡng.
Tràng An

ông Son giới thiệu những di vật khai quật được ở sông Sào Khê

Thấy vị khách có biểu hiện lạ, ông Son mời lên lầu uống nước. Ông Son bảo: “Đất Hoa Lư tôi không lạ, anh cần tìm hiểu gì cứ hỏi tôi”.

Ông này không nói gì, đề nghị ông Son dẫn đi xem xét núi non, địa thế. Ông này trèo lên tận đỉnh núi, phóng ánh mắt nhìn tứ phía, rồi bảo với ông Son rằng: “Đây là Cái Hạ”.

Nghe từ đó, ông Son không hiểu. Người khách bí ẩn giải thích rằng, Cái tức là chính, Hạ là mặt đất. Ông khách bí ẩn chỉ cho ông Son từng đỉnh núi và phân tích. Cuối cùng, ông kết luận, 100 quả núi thiêng chầu vào đoạn sông Sào Khê chảy qua hang Luồn.
Tràng An

 Hang Luồn như họng rồng

Những điều vị khách lạ nói, khiến ông Son vã mồ hôi hột. Ông Son chưa kể bất cứ điều gì, song pháp sư nọ cứ nói vanh vách. Vị khách này lại yêu cầu sông Son lấy thuyền chở dọc sông Sào Khê.

Ngồi trên thuyền, ông gọi điện tham khảo thêm một nhà tâm linh và nhà tâm linh đó khẳng định vị trí ông đang ở chính là âm huyệt quan trọng.

Ông này dùng con lắc ở cửa hang Luồn, con lắc quay tít. Lên bờ, ông khách này giới thiệu tên là Hiếu, tu phái Mật Tông. Pháp sư bí ẩn này bảo rằng, ông cùng các pháp sư đã mất nhiều năm đi tìm âm huyệt nhưng không thấy. Vị pháp sư này đặt nghi vấn âm huyệt chính là vùng đất Tràng An. Nói xong, pháp sư này chào ông Son, về Hà Nội.
Tràng An

 Ông Nguyễn Văn Son

Hai tháng sau, pháp sư Hiếu cùng 50 đệ tử lại về gặp ông Son, bảo tìm vị trí lập đàn cầu siêu.

Theo pháp sư Hiếu, địa bàn Tràng An là âm huyệt quan trọng, nơi xảy ra quá nhiều oan khuất, kéo dài từ thời Hồng Bàng, Âu Lạc, mà nặng nề nhất vào thời Đinh, Tiền Lê, nên cần phải làm lễ cầu siêu, giải oan cho các linh hồn bị chết oan uổng. Pháp sư Hiếu không yêu cầu ông Son trợ giúp gì cả.

Hai ngày sau, tức ngày 22-4, tờ mờ sáng, một đoàn xe ô tô xuất hiện ở cổng Tràng An Cổ. Pháp sư Hiếu xuất hiện cùng mấy trăm phật tử.

Hai xe tải chở đồ lễ gồm 500 mâm xôi, 500 mâm gạo, 500 đĩa xôi, 500 bánh trưng, 500 bánh dày mỗi cái to bằng cái mâm. 1.500 lít nước đóng thành từng can 20 lít lấy từ Thăng Long về. Pháp sư này bảo, vùng đất Hoa Lư nước rất độc, nên cứ đời vua nọ giết vua kia, do đó phải mang nước từ Thăng Long về.

Đàn tràng tứ phủ được lập trên bờ, dưới thuyền, các Phật tử ngồi lễ từ 7h30 sáng đến 11h30 trưa. Sau buổi trưa, tiếp tục làm lễ cầu siêu.
Tràng An

 Miệng hang Luồn từ phía trong

Theo lời ông Son, đến 18h30, hoàng hôn buông xuống, đỉnh núi trên hang Luồn xuất hiện hào quang sáng rực. Các Phật tử tiếp tục tụng kinh Phật đến 11 giờ đêm thì dừng.

Nửa đêm, ánh trăng tràn ngập núi cao, thung sâu. Trong hang Luồn, có tới 1000 vòng hoa gắn nến được thắp sáng lung linh, kỳ ảo.

Xong công việc cầu siêu rất cầu kỳ, trời đã gần về sáng. Đoàn Phật tử chia tất cả thực phẩm mang theo làm 4 lễ. Một lễ hóa xuống sông Sào Khê, một lễ hóa trong hang Luồn. 1.000 vòng hoa gắn nến thả xuống hang Luồn sáng lung linh. Còn 2 phần nữa, họ rải ở đâu, ông Son cũng không biết.
Tràng An

Sông Sào Khê

Đến đầu tháng 3 năm 2013, pháp sư Hiếu cùng các đệ tử lại về Tràng An Cổ, làm lễ giải oan trong hang Luồn. Lần này lễ đơn giản hơn, ít đệ tử hơn. Một phần lễ được hóa tại hang Luồn, còn lại rải ở cầu Đán, cầu Khuất, và vài địa điểm trên sông Đáy thuộc địa phận Hà Nam.

Sau nhiều lần liên lạc, tôi cũng được pháp sư Hiếu hẹn đến nhà riêng tại ngõ Gốc Đề (Minh Khai, Hà Nội). Ngôi nhà lúp xúp, cũ kỹ lọt giữa mảnh đất rộng, cây cối xum xuê. Pháp sư Hiếu ngồi khoanh chân giữa nhà tụng kinh. Được sự giới thiệu của ông Son, nên pháp sư Hiếu đón tiếp chúng tôi nhiệt tình.

Pháp sư Hiếu tu theo phái Mật Tông và tu tại gia. Theo ông, trong lần về Tràng An, Bái Đính, lúc rẽ vào khu Tràng An Cổ, ông đã giật mình khi nhìn vào hang Luồn, nơi dòng Sào Khê chảy qua quả núi đá.

Đứng cửa hang Luồn, ông thấy rõ như miệng con rồng, còn hang luồn như họng rồng. Nhìn ra xung quanh, thấy 5 ngọn núi bao quanh, như 5 hòn ngọc.

Khi được ông Son dẫn lên đỉnh núi, ông càng bàng hoàng hơn. Đứng trên đỉnh núi, ông đếm đủ 100 ngọn núi, chồng chồng lớp lớp kéo dài từ Hà Nam đến tận Tam Điệp, Bỉm Sơn đều châu đầu về phía hang Luồn.

Theo ông, không cần đến pháp sư, một người hiểu biết về phong thủy rất cơ bản cũng nhận thấy địa thế Tràng An Cổ, mà cụ thể là cửa hang Luồn chính là đại huyệt.
Tràng An

 Hướng dẫn viên ở Tràng An Cổ

Sau này, nghiên cứu lại các tài liệu cổ, ông Hiếu càng khẳng định rằng, thời vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, mỗi khi xuất quân, hay chiến thắng trở về, đều phải làm lễ ở đó.

Tuy nhiên, đây chỉ là âm huyệt, nên chỉ có lợi khi đặt mồ mả. Các đời vua đóng đô ở đây đều phát rất mạnh, nhưng vận số ngắn. Người phát hiện ra điều này đầu tiên chính là vua Lý Thái Tổ. Vì thế, ông đã dời đô về Thăng Long. Thành Thăng Long mới là dương huyệt của nước Việt.

Theo pháp sư Hiếu, đại huyệt hang Luồn và dòng Sào Khê là một trận pháp trấn yểm khổng lồ. Nơi đây, oan hồn đời nọ nối tiếp đời kia, cứ chồng chồng, chất chất, đầy ai oán.

Kiến giải theo tâm linh, thì oan oan tương báo, đời nọ hãm hại đời kia, anh em huynh đệ tương tàn, nên vùng đất này khó mà thịnh được. Chính vì thế, việc lập đàn giải oan, rồi cầu siêu cho các oan hồn là rất cần thiết, giúp vùng đất này cất cánh.

Pháp sư Hiếu bảo: “Tràng An là nơi hội tụ vận khí thiêng của nước Việt, nó thiêng liêng từ vô thủy kiếp. Vua Đinh cũng dựa vào đây để khai sinh nước Việt. Dòng Sào Khê là linh huyệt thiêng liêng. Oan khuất chồng chất ở đây, nên lập đàn tràng giải oan vài lần chưa phải đã xong. Việc chúng tôi làm mới chỉ là giai đoạn đầu, những năm sau vẫn phải làm tiếp”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *